Trải qua một năm nhiều sóng gió, với những điểm đen là nạn đầu cơ, làm giá... nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, giúp nhà đầu tư lạc quan bược vào năm 2011.
> 100 người giàu nhất sàn chứng khoán 2010
Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2010 theo tổng hợp của VnExpress.net.
1. Tăng thời gian khớp lệnh liên tục ở sàn TP HCM, UPCoM chuyển sang khớp lệnh liên tục
Tăng thời gian khớp lệnh liên tục trên sàn TP HCM giúp nhà đầu tư có thêm thời gian cho các quyết định mua bán. |
Từ ngày 13/9, khớp lệnh liên tục trên sàn TP HCM tăng 30 phút. Bù lại, khớp lệnh định kỳ mở cửa và đóng cửa đều rút ngắn 15 phút. Động thái này có mục đích tạo điều kiện cho thanh khoản tốt hơn, nhà đầu tư có thêm thời gian quyết định mua bán ngay trong đợt mà cung cầu thị trường phản ánh chân thật nhất. Tuy nhiên, thực tế nhà đầu tư không mấy hồ hởi với cải tiến kỹ thuật này. Bởi thanh khoản vẫn lình xình, thậm chí giảm mạnh trong tháng 10 và chỉ mới khởi sắc lại ở tháng cuối năm.
Đây cũng là năm ghi nhận nỗ lực hoàn thiện và tăng sức hút cho sàn UPCoM, khi thỏa thuận điện tử bị loại bỏ và thay bằng khớp lệnh liên tục, áp dụng từ 19/7. Thời gian mở cửa cùng lúc với Vn-Index lẫn HNX-Index, thay vì 10 giờ như trước đó. Tuy nhiên, thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết chỉ nổi sóng ngắn trước thời điểm chính thức chuyển sang phương thức thức mới. Bởi sau đó, diễn biến ở UPCoM khá lặng lẽ, mờ nhạt cho đến cuối năm, kể cả lúc thị trường niêm yết sôi sùng sục.
2. Năm đầu tiên áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với đầu tư chứng khoán
Từ năm 2010, nhà đầu tư bị trừ thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư chứng khoán. |
Thuế thu nhập từ chứng khoán bắt đầu thực hiện từ 1/1/2010, sau một năm hoãn để nhằm hỗ trợ thị trường sau khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái toàn cầu. Do còn lạ lẫm và cũng để dễ dàng trong hoạt động khấu trừ, nhiều người chọn cách nộp 0,1% trên giá trị chuyển nhượng từng lần, coi như dứt điểm việc đóng thuế sau mỗi lần bán ra, dù lời hay lỗ đi nữa. Trong khi đó, cách đóng 20% trên tổng lợi nhuận thu được, nếu lỗ sẽ được hoàn phần tạm trừ trong năm lại ít người chọn với lý do đầu tư không ai muốn vẽ ra kịch bản sẽ bị thua lỗ.
Khi khả năng sinh lợi trên thị trường ít đi, khoản phí này khiến nhiều người tiếc rẻ. Chưa tới mức thay đổi quyết định mua bán, song khoản phát sinh mới có trong năm nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư thận trọng hơn mỗi khi giao dịch. Một số chuyên gia còn cho rằng, tới thời điểm này, nếu được cơ quan thuế cho chọn lại, sẽ có nhiều người đăng ký nộp 20% để lấy lại những khoản tiền đã mất do đầu tư năm nay chủ yếu thua lỗ.
3. HNX-Index rớt khỏi mốc 100
Giao dịch chứng khoán sôi động trong tháng cuối năm, song vẫn chưa đủ giúp Vn-Index quay lại mốc 500. |
Không có giai đoạn tuột dốc thẳng đứng xuống gần 200 hay thăng hoa vượt 600 như năm ngoái, diễn biến Vn-Index năm nay ổn định trên 400 điểm. Có lúc nhà đầu tư tranh mua ồ ạt, song cũng không hiếm phiên giao dịch dưới 1.000 tỷ đồng. Nhưng nhìn chung, tâm lý nhà đầu tư vững vàng hơn mọi năm, không có sự tháo chạy mỗi khi các chỉ số giảm mạnh, mà lực mua vẫn đều đặn đưa vào thị trường, chỉ có điều ít hay nhiều.
Tuy nhiên, nỗi lo lạm phát, nguồn cung cổ phiếu dồn dập cùng những biến động mạnh của các kênh đầu tư vàng, USD, lãi suất khiến chứng khoán đôi lúc trầm lắng, giao dịch ít ỏi, thậm chí mất hẳn ngưỡng tâm lý 500. Sóng chứng khoán bất ngờ dâng cao trong tháng cuối năm, nhưng vẫn chưa đủ giúp chỉ số này về lại mức này.
Trong khi đó, HNX-Index mất luôn mốc 100 và có gần 10 phiên nằm dưới ngưỡng này vào giữa tháng 11. Nếu so với mức đỉnh năm 2010 (187 điểm), khó ai có thể nghĩ chỉ số sàn Hà Nội có lúc giảm gần 50%, xuống 97,44 điểm.
4. Lần đầu tiên xử lý hình sự đối với tội danh làm giá chứng khoán
Ngày 25/11/2010, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Dược Viễn Đông - do hành vi làm giá đối với 2 mã cổ phiếu là DVD và DHT. Tiếp sau ông Dũng, 3 đối tượng liên quan khác trong vụ việc cũng bị bắt, khởi tố.
Chủ tịch Dược Viễn Đông Lê Văn Dũng (giữa) là người đầu tiên bị xử lý hình sự vì làm giá chứng khoán. |
Trong 5 tháng ông Dũng và các đối tượng liên quan tiến hành làm giá, giá cổ phiếu DVD dao động trong khoảng 50.000-115.000 đồng trong khi cổ phiếu DHT cũng biến động trong khoảng 38.000-98.000 đồng một cổ phiếu.
Đây là vụ làm giá chứng khoán tiên tội bị khởi tố hình sự theo quy định tại Điều 181c Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ 1/1/2010). Động thái quyết liệt này của các cơ quan chức năng phần nào đã khiến các "đội lái" có dấu hiệu chùn tay trong giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên, dư luận vẫn cho rằng chế tài pháp luật hiện chưa đủ mạnh để xử lý nạn làm giá, vốn trở nên quen thuộc trong năm 2010 với những "nghi án" như AAA, HCC, MKV, HTV, VTV, LTC...
5. Các sản phẩm chứng khoán mới tiếp tục lỗi hẹn
Kỳ vọng lớn nhất của nhà đầu tư trong năm 2010 là việc Ủy ban Chứng khoán (SSC) cho phép thực hiện quy chế giao dịch bán chứng khoán theo T+2 cuối cùng vẫn chưa thành hiện thực.
Dự thảo quy chế cho hoạt động này đã được Ủy ban đưa ra từ tháng 3/2010, cùng với đó là các cuộc tiếp xúc, hội thảo, lấy ý kiến... Tại thời điểm này, SSC cho biết sẽ mất khoảng 4 tháng để triển khai chính thức. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2010, việc "bán chứng khoán T+2, thanh toán theo T+3" vẫn chưa thể được triển khai.
Dù tất cả các thành viên thị trường đều nhất trí rằng thực hiện giao dịch theo quy chế mới sẽ giúp tăng thanh khoản nhưng rào cản công nghệ cũng như việc một số công ty chưa sẵn sàng cho trung tâm lưu ký quản lý đến tài khoản của nhà đầu tư đã cản trở quá trình này.
Giao dịch T+2 tiếp tục lỗi hẹn trong năm 2010. |
Cùng với đó, thị trường chứng khoán năm 2010 cũng ghi nhận sự thiếu hụt sản phẩm mới khi các vấn đề như cho phép nhà đầu tư vay tiền, vay chứng khoán, giao dịch ký quỹ, cho ra đời các sản phẩm phái sinh... vẫn chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ ràng.
6. Vốn ngoại ghi dấu ấn lớn
Lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) ròng đổ vào chứng khoán Việt Nam trong năm 2010 đạt khoảng một tỷ USD, giúp khối ngoại duy trì trạng thái mua ròng kể từ đầu năm, trong đó lượng tiền chủ yếu tập trung vào sàn TP HCM (chiếm trên 90% vốn).
Đây là mức mua ròng chỉ đứng thứ 2 sau kỷ lục hơn 1,5 tỷ USD của năm 2007. Diễn biến này cũng cho thấy sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất lớn đối với nhà đầu tư ngoại, cho dù đã phải chịu không ít thua thiệt do diễn biến thị trường trong năm qua (có quỹ đầu tư mất tới 80 triệu USD tài sản ròng sau 11 tháng).
Bên cạnh việc mua trên thị trường niêm yết, nhà đầu tư ngoại cũng rất tích cực tham gia các đợt phát hành riêng lẻ, đấu giá cổ phần, mua cổ phiếu OTC... Chính sự tham gia sâu rộng này của khối ngoại đã trở thành lực đỡ lớn cho thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm.
7. Các quỹ của Dragon Capital trước nguy cơ giải thể
Chính do sự tham gia sâu rộng của khối ngoại trong năm qua mà thông tin về việc 2 quỹ đầu tư của Dragon Capital là Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) và Vietnam Growth Fund (VGF) được dư luận hết sức quan tâm.
Sự việc diễn ra hồi đầu tháng 7/2010 khi một nhóm cổ đông của Dragon Capital yêu cầu họp Đại hội cổ đông để biểu quyết về khả năng thoái vốn vì giá giao dịch xuống quá thấp so với giá trị tài sản ròng.
Tuy nhiên, Đại hội cổ đông được tiến hành trong ngày 12/7 đã thông qua việc tiếp tục duy trì hoạt động đầu tư tại 2 quỹ. Khoản tiền hơn 400 triệu USD đã không bị rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Tỷ lệ chiết khấu hiện tại của các quỹ này cũng đã được đưa về mức “an toàn”.
Ngoài ra, một quỹ đầu tư cổ phiếu khác của Dragon Capital là Vietnam Dragon Fund (VDF) cũng đang trong quá trình chuyển giao danh mục sang cho quỹ Dragon Capital Vietnam Fund (DCVF). DCVF sẽ hoạt động theo hình thức quỹ tín thác.
8. M &A sôi động
M&A sôi động, song điều mà nhà đầu tư kỳ vọng là diễn biến sau giai đoạn mua bán sáp nhập, liệu có tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi còn là từng doanh nghiệp hoạt động riêng lẻ. |
Đây cũng là năm ghi nhận nhiều thương vụ mua bán sáp nhập trên sàn chứng khoán. Hà Tiên 2 hủy niêm yết vào giữa năm để nhập làm một với HT1, KBC mua lại 100% vốn của SGT, NKD cùng Kido đồng thuận quy về một mối với KDC. Sóng ngầm M&A giữa các công ty chứng khoán cũng nổi lên thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tác ngoại. Đây được xem là điều tất yếu trong bối cảnh hàng loạt công ty chứng khoán từ lớn tới nhỏ hoạt động khó khăn trong năm nay.
Trong khi đó, hoạt động chào mua công khai cũng thu hút sự chú ý của thị trường, bởi các cặp đôi Hùng Vương - Agifish, Thành Thành Công - đường Ninh Hòa. Cuối năm, Thành Thành Công cùng một số đơn vị khác công bố mua lại hết toàn bộ 97 triệu cổ phần của Tập đoàn Boubon.
Việc tìm tiếng nói chung để đi đến sáp nhập đã không dễ dàng gì, thì giai đoạn hậu M&A càng khó khăn hơn. Theo các chuyên gia, việc "kết duyên" này không phải 1+1 bằng 2, mà phải lớn hơn 2, khi đó mới có thể coi là thành công.
9. Huy động vốn qua thị trường chứng khoán tiếp tục tăng
Bất chấp diễn biến thị trường tương đối khó khăn, lượng doanh nghiệp niêm yết trên tại 2 Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP HCM trong 12 tháng qua vẫn tăng khoản 6% so năm 2009. Cụ thể, HNX đón nhận thêm 105 mã chứng khoán mới, trong khi con số tương ứng tại HOSE là 51 mã.
Việc doanh nghiệp tăng cường "lên sàn" là tín hiệu tốt, cho thấy sức hút từ việc huy động vốn theo kênh chứng khoán cũng như nhu cầu công khai, minh bạch hóa, đại chúng hóa hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy sự khó khăn trong việc vay vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm qua, khi và lãi suất ngân hàng tăng cao trở lại.
10. Việt Nam có hơn 450 triệu phú chứng khoán
Tuy diễn biến thị trường không thuận trong cả năm nhưng tài sản của những người giàu nhất trên sàn chứng khoán vẫn thăng tiến đáng kể. Theo danh sách vừa được VnExpress.net công bố, Việt Nam có hơn 450 triệu phú đôla trong năm 2010, tăng gấp rưỡi so với năm 2009.
Sự vươn lên của ngành bất động sản là điểm nhấn quan trọng trên thị trường, giúp nhiều đại gia hoạt động trong lĩnh vực này lọt vào Top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Trong đó, người đứng đầu danh sách là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VINGROUP) với tài sản 15.800 tỷ đồng. Con số này đã giúp ông Vượng tiến rất gần tới ngưỡng "tỷ phú đôla".
No comments:
Post a Comment