Myself

Myself
New Life

Wednesday, December 29, 2010

10 sự kiện nổi bật thế giới năm 2010


Bán đảo Triều Tiên rơi vào cảnh căng thẳng nhất trong hơn nửa thế kỷ, Wikileaks khuấy đảo thế giới theo cách chưa từng có tiền lệ và cuộc giải cứu thợ mỏ bất hủ tại Chile đánh dấu năm 2010 có nhiều sự kiện đặc biệt.
10 ảnh chiến sự khốc liệt 2010
Chuyện vui nhộn nhất 2010

Dưới đây là 10 sự kiện thế giới của năm 2010 theo đánh giá của VnExpress.net.
Bán đảo Triều Tiên trên bờ vực chiến tranh
Bán đảo Triều Tiên không hoàn toàn bình yên kể từ khi kết thúc cuộc chiến năm 1953, nhưng năm 2010 đánh dấu giai đoạn căng thẳng nhất tại đây hơn nửa thế kỷ qua với chuỗi các sự kiện liên tiếp. Đầu tiên là vụ chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm hồi tháng 3 khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Sau đó tình hình lên tới đỉnh điểm khi Bình Nhưỡng pháo kích đảo Yeonpyeong hôm 23/11, vụ tấn công miền nam được coi là mạnh nhất kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Triều Tiên pháo kích đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc hôm 23/11. Ảnh:
Triều Tiên pháo kích đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc hôm 23/11. Ảnh: EPA
Sự kiện Yeonpyoeng mở ra giai đoạn căng thẳng ở cấp độ mới tại bán đảo Triều Tiên, khiến Hàn Quốc thay đổi lớn về quan điểm quân sự. Seoul đã sửa nguyên tắc giao chiến để chủ động hơn trong việc đáp trả và tổ chức gần 50 cuộc tập trận trong năm, gồm những cuộc diễn tập quy mô lớn chưa từng có tiền lệ để phô trương tiềm lực vũ khí, bất chấp lời đe dọa chiến tranh hạt nhân từ miền Bắc.
Bầu không khí bán đảo Triều Tiên cũng được hâm nóng thêm trong năm qua do những vấn đề diễn ra tại miền Bắc, như công bố nhà máy tinh chế uranium và việc nước này đang bắt đầu một cuộc chuyển giao quyền lực mang tính lịch sử. Với "nền tảng" căng thẳng trong năm 2010, tình hình bán đảo Triều Tiên chắc chắn sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian tới.
Wikileaks khuấy đảo thế giới
Julian Assange cho ra đời Wikileaks từ năm 2006, nhưng đến năm qua trang web này mới thực sự khuấy đảo thế giới bằng cách tung ra những tài liệu mật thuộc hàng “bom tấn”. Wikileaks thu thập chúng với khối lượng lớn, sau đó công bố trên phạm vi toàn cầu. Mở màn cho chiến dịch này là đợt công bố thông tin bí mật tình báo Mỹ về chiến tranh Afghanistan và Iraq vào tháng 7 và tháng 10.
Julian Assange và biểu tượng trang Wikileaks. Ảnh: Telegraph
Julian Assange và biểu tượng trang Wikileaks. Ảnh: Telegraph
Nhưng hành động thực sự gây chấn động là việc Wikileaks tung ra hơn 250.000 thư tín từ ngày 28/11, phơi bày hậu trường nền ngoại giao Mỹ có liên quan đến cả thế giới. Chính quyền Mỹ nổi giận và gọi đây là "đòn tấn công vào cộng đồng quốc tế", trong khi một số nước cho rằng Wikileaks phạm pháp và vô trách nhiệm khi đánh cắp và công bố các thông tin nhạy cảm.
Nhưng chủ trang Wikileaks, một trong những cái tên nổi bật nhất năm 2010, khẳng định chính họ đã tạo ra "nền báo chí khoa học" cho phép độc giả được tự nghiên cứu những tài liệu gốc. Bất chấp việc Assange bị săn đuổi vì một vụ án không liên quan đến Wikileaks, việc ông cho nổ những "quả bom sự thật" năm vừa qua đã tạo ra một tiền lệ chưa từng có về mặt truyền thông.
Giải cứu thợ mỏ tại Chile
Sự kiện 33 thợ mỏ Chile mắc kẹt dưới độ sâu gần 700 mét trong hơn hai tháng đã khiến cả thế giới quan tâm vì ý chí sắt đá của họ. Tiếp sức cho niềm hy vọng không mệt mỏi này là cuộc giải cứu chưa từng có trong lịch sử thế giới. Sự sống sót thần kỳ của các thợ mỏ trở thành sự kiện truyền thông quốc tế lớn. Hàng nghìn phóng viên đổ về khu mỏ nằm ở vùng sa mạc hẻo lánh của Chile để tường thuật trong nhiều ngày.
Khoang cứu hộ trong cuộc giải cứu thợ mỏ Chile. Ảnh: AFP
Khoang cứu hộ trong cuộc giải cứu thợ mỏ Chile. Ảnh: AFP
Hiệu ứng truyền thông đã khiến cả thế giới hồi hộp vào thời điểm bắt đầu đưa thợ mỏ lên khỏi mặt đất ngày 13/10 và gần như tất cả các kênh truyền hình lớn đều truyền trực tiếp sự kiện này. Cuộc giải cứu kết thúc có hậu khi tất cả 33 thợ mỏ được an toàn tuyệt đối sau 69 ngày dưới lòng đất, lâu hơn bất cứ sự kiện tương tự nào trong lịch sử thế giới.
Đây cũng là niềm tự hào của Chile và chưa bao giờ đất nước Nam Mỹ này được cả thế giới chú ý như trong cuộc giải cứu. Tân tổng thống Chile Sebastian Pinera cũng trở thành cái tên nổi bật khắp hành tinh nhờ nỗ lực của ông trong chiến dịch.
Nga - Mỹ ký hiệp ước hạt nhân mới
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới (Start) hồi tháng 4, giới hạn mỗi nước chỉ được triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân và sử dụng tối đa 700 phương tiện phóng như: tên lửa đạn đạo và máy bay chiến lược. Quy định mới này giúp kho hạt nhân hai nước cắt giảm 30% so với hiệp ước cũ ký năm 2002.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký hiệp ước Start mới. Ảnh: US Embassy
Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Medvedev ký hiệp ước Start mới. Ảnh: US Embassy
Hiệp ước Start mới đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình kiểm soát vũ khí hủy diệt trên thế giới và đây là văn bản cắt giảm vũ khí hạt nhân lớn nhất trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh. Văn bản này có ý nghĩa đặc biệt đối với mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, vì đây là biện pháp xây dựng lòng tin hữu hiệu, dọn đường cho việc cắt giảm số vũ khí hạt nhân lớn hơn nữa trong tương lai.
Đối với phần còn lại của thế giới, hiệp ước Start mới là tín hiệu cho thấy Mỹ và Nga không hề phớt lờ cam kết của họ theo Hiệp ước chống phổ biến hạt nhân (NPT). Đây cũng là thành tựu lớn về chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, vì mục tiêu chính của ông khi lên cầm quyền là nỗ lực ngăn chặn sự phổ biến của vũ khí hạt nhân.

Căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc chứng kiến những căng thẳng dồn dập trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế thương mại đến quân sự an ninh. Đầu tiên là cuộc xung đột tiền tệ giữa hai nước có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại trên quy mô toàn cầu, liên quan đến tỷ giá đồng nhân dân tệ. Một trong những biểu hiện của tranh chấp thương mại là vụ Google đóng cửa tại Trung Quốc.
Mỹ - Trung còn căng thẳng về quân sự và an ninh, gồm cả vấn đề truyền thống lẫn mới phát sinh. Nổi bật là bất đồng về Đài Loan, khi Mỹ bán số vũ khí trị giá tới 6,4 tỷ USD cho hòn đảo này khiến Bắc Kinh cắt đứt quan hệ quân sự với Washington. Trung Quốc cũng phản đối gay gắt các cuộc tập trận chung giữa Mỹ với Hàn Quốc và căng thẳng khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố Mỹ "có lợi ích quốc gia" tại Biển Đông, động thái được cho là nhằm vào Trung Quốc.
Những va chạm giữa một thế lực truyền thống và thế lực đang nổi như Mỹ và Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. Nhưng những gì diễn ra trong năm 2010 với cấp độ dồn dập và sâu rộng càng cho thấy sự ganh đua quyết liệt giữa hai cường quốc để tranh giành ảnh hưởng.
Thiên tai khốc liệt
Thảm họa thiên nhiên đáng chú ý nhất năm 2010 là trận động đất tại thủ đô Haiti hồi đầu năm, khiến 230.000 người chết và gây ra thiệt hại gần 50 tỷ USD cho quốc gia nghèo bậc nhất thế giới này. Mức độ hủy diệt của cơn địa chấn Haiti được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử về tác động to lớn đến số phận cả một quốc gia.
Cứu nạn nhân động đất tại Haiti. Ảnh: Navy
Cứu nạn nhân động đất tại Haiti. Ảnh: Navy
Tiếp theo là các đợt thiên tai cũng mang tính lịch sử. Lũ lụt tại Pakistan làm khoảng 2.000 người chết và nhấn chìm gần 1/5 lãnh thổ nước này, khiến khoảng 14 triệu người bị ảnh hưởng. Liên hợp quốc đánh giá thảm họa nhân đạo ở Pakistan còn lớn hơn cả sóng thần năm 2004.
Năm nay cũng chứng kiến những đợt phun trào núi lửa gây ra mức độ ảnh hưởng chưa từng có, như vụ ngọn hỏa diệm sơn Eyjafjallajokul ở Iceland phun khói bụi làm tê liệt không phận toàn châu Âu gây thiệt hại hàng tỷ USD. Động đất và lụt lội ở Trung Quốc, nắng nóng kỷ lục 100 năm tại Nga, núi lửa Merapi tại Indonesia thức giấc, cũng dẫn đến tổn thất lớn về người và của.
Bạo loạn đẫm máu tại Thái Lan
Hình ảnh yên bình và hấp dẫn du khách của Thái Lan đã bị tổn hại nghiêm trọng khi những người biểu tình thuộc phe áo đỏ chống chính phủ nổi dậy tại Bangkok trong suốt hơn hai tháng, bắt đầu từ tháng 3. Bạo loạn khiến nhiều nơi tại Bangkok biến thành chiến trường. Sự kiện chỉ chấm dứt khi quân đội ra tay trấn áp, làm tổng cộng 89 người thiệt mạng và gần 1.900 người bị thương.
Người biểu tình áo đỏ đốt phá trên đường phố Bangkok. Ảnh: Guardian
Người biểu tình áo đỏ đốt phá trên đường phố Bangkok. Ảnh: Guardian
Cuộc khủng hoảng chính trị do phe áo đỏ gây ra làm tổn thất khoảng 6,3 tỷ USD và để lại hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế quốc gia, đồng thời khiến Thái Lan mất đi lợi thế cạnh tranh khi hình ảnh về một đất nước ổn định chính trị không còn. Đặc biệt, biểu tình dẫn đến bạo loạn này được mô tả như cuộc nội chiến đầu tiên trong lịch sử Thái Lan, gây ra sự chia rẽ sâu sắc tại nước này không thể hàn gắn trong ngày một ngày hai.
Chấm dứt chiến tranh Iraq
Năm qua ghi dấu một cột mốc trong gần một thập kỷ biến động của Iraq, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chấm dứt vai trò tham chiến của nước này tại đây, đồng nghĩa với việc cuộc chiến Iraq kéo dài 7 năm đã chính thức khép lại. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định "đã đến lúc lịch sử sang trang" và thừa nhận Mỹ không giành chiến thắng trong cuộc chiến.
Lính Mỹ tại hiện trường một vụ bom xe tại Baghdad. Ảnh: AP
Chấm dứt chiến tranh Iraq và rút binh sĩ của Mỹ về nước là việc hiện thực hóa cam kết tranh cử của Tổng thống Barack Obama. Nhưng những gì quân đội Mỹ để lại cho một nước Iraq "có độc lập và chủ quyền" là làn sóng đánh bom khủng bố chưa dứt, nền kinh tế kém phát triển và đất nước rơi vào khủng hoảng chính trị.
Thảm kịch hàng không lịch sử của Ba Lan
Chiếc chuyên cơ Tu-154 của Ba Lan đâm xuống Nga ngày 10/4 khiến toàn bộ 96 người trên khoang thiệt mạng. Vụ tai nạn này là một cú sốc đối với người dân Ba Lan và thu hút sự chú ý của toàn thế giới vì nạn nhân gồm nhiều trụ cột trong chính quyền đương nhiệm như Tổng thống Lech Kaczynski và nhiều quan chức cấp cao như thứ trưởng ngoại giao, tổng tham mưu trưởng, các tổng tư lệnh, thống đốc ngân hàng trung ương và phó chủ tịch hạ viện.
Người dân Ba Lan tưởng niệm vợ chồng tổng thống Lech Karzynsky tử nạn máy bay. Ảnh: AP
Người dân Ba Lan tưởng niệm vợ chồng tổng thống Lech Karzynsky. Ảnh: AP
Đây là thảm kịch tồi tệ nhất đối với dân tộc Ba Lan kể từ chế độ diệt chủng do phát xít Đức gây ra trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Tai nạn xảy ra trong bối cảnh nhạy cảm trong quan hệ giữa Ba Lan và Nga khi hai nước đang dần hoà giải sau nhiều năm căng thẳng. Vụ tai nạn trở thành tâm điểm của thế giới trong nhiều ngày, nhưng tình hình tại Ba Lan đã không rối loạn như nhiều người lo ngại khi cùng lúc chính quyền mất đi một loạt quan chức trụ cột.

Thế giới đối mặt với xu hướng khủng bố mới

Cả châu Âu chấn động vì làn làn sóng khủng bố bằng bom thư với quy mô chưa từng có hồi tháng 11, bắt đầu từ Hy Lạp. An ninh nước này phát hiện 11 bưu kiện chứa bom ở Athens gửi tới các nhà lãnh đạo và cơ quan lớn của Liên minh châu Âu cùng nhiều sứ quán nước ngoài tại Hy Lạp. Trước đó, Mỹ và châu Âu cũng báo động an ninh về vận tải bằng đường hàng không, sau khi phát hiện bom thư gửi tới Mỹ từ Yemen.
Chi nhánh của Al-Qaeda tuyên bố nhận trách nhiệm về âm mưu tấn công máy bay chở hàng tới Mỹ bằng bom thư, trong đó sử dụng những thiết bị quen thuộc và rẻ tiền để chế tạo bom. Vào tháng cuối cùng trong năm, Thụy Điển lần đầu tiên chứng kiến vụ đánh bom tự sát được tổ chức tương đối đơn giản. Những sự kiện này cho thấy lực lượng khủng bố đang thay đổi chiến lược từ những vụ tấn công hoành tráng như vụ 11/9, sang các vụ tấn công có quy mô nhỏ hơn, dẫn đến lo ngại về một hình thức bạo lực mới được gọi là kiểu “khủng bố giá rẻ".
Nạn nhân trong vụ đánh bom tàu điện ngầm tại Matx cơva. Ảnh: News
Nạn nhân trong vụ đánh bom tàu điện ngầm tại Matx cơva. Ảnh: News.
Nạn khủng bố năm 2010 còn để lại vụ đánh bom kép tại hệ thống tàu điện ngầm Matxcơva ngày 29/3, làm 40 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Việc thủ phạm vụ này được xác định là các “goá phụ đen” Chechnya, khiến người Nga lo ngại về sự trở lại của làn sóng khủng bố Matxcơva từng hoành hành nhiều năm trước và đặt chính phủ nước này vào một cuộc đối đầu mới với chủ nghĩa khủng bố sau một thời gian lắng dịu.
VnExpress

No comments:

Post a Comment