Myself

Myself
New Life

Sunday, December 05, 2010

Ai cũng có thể học được nhiều ngoại ngữ!!

   Đức Hồng y Giuseppe Mezzofanti biết đến 39 ngoại ngữ khác nhau. Ông đã từng học thông thạo một ngoại ngữ chỉ trong một đêm để sáng sớm hôm sau nghe lời xưng tội của các phạm nhân bị tử hình. Nữ phiên dịch người Hungaria Lomb Kato sử dụng thành thạo 15 ngoại ngữ để đọc báo và tiểu thuyết nước ngoài. Cô chỉ nhờ đến sự giúp đỡ của giáo viên khi học tiếng Trung Quốc và tiếng Ban Lan, còn lại là tự học.

   Quan niệm rằng chỉ một số ít người có khả năng biết nhiều ngoại ngữ, thật ra là sai lầm. Bộ não con người kỳ diệu đến mức ai cũng có thể trở thành người nói nhiều thứ tiếng, thậm chí cả khi người đó gặp khó khăn trong việc đọc và học ngoại ngữ khi tuổi đã cao. Đó là quan điểm của nhà tâm lý học kiêm ngôn ngữ học Suzanne Flynn thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Cách đây chưa lâu, các nhà ngôn ngữ học còn cho rằng chỉ những người học ngoại ngữ từ nhỏ mới có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ đó. Theo họ, sau 5 tuổi, muộn nhất là sau 12 tuổi, việc học ngoại ngữ đối với một con người là hạn chế bởi lý do quá trình phát triển các khu vực não bộ thích hợp ở người đó đã kết thúc. Chỉ sau khi Suzanne Flynn cùng các đồng nghiệp thuộc trường Đại học Harvard tiến hành nghiên cứu đối với những người biết nhiều ngoại ngữ, người ta mới thấy rằng khả năng học ngoại ngữ là không hạn chế cả khi người học ở vào tuổi trưởng thành.

  Những người đàn ông thuộc bộ lạc Tukano (Nam Mỹ) sử dụng thành thạo ngôn ngữ thứ hai mà họ mới chỉ bắt đầu học khi bước vào tuổi trưởng thành, bởi lẽ theo phong tục họ chỉ được phép làm lễ cưới với những phụ nữ thuộc các bộ lạc khác. Tương tự như vậy, những cư dân ở Papui- Nova Gwinei và châu Phi biết vài ba ngôn ngữ khác nhau mà những ngôn ngữ này họ chỉ học khi trưởng thành. Nhà ngôn ngữ học Kenneth Hale, ngoài những ngôn ngữ hay sử dụng ở châu Âu, còn thông thạo hơn một chục ngôn ngữ các bộ lạc da đỏ khác nhau (trong đó có ngôn ngữ bộ lạc Navajo và Papago) và ngôn ngữ các bộ lạc vùng Australia (chẳng hạn như Warlpiri, Anmatyerre).

  Sự khác biệt về kỹ năng phát triển ngôn ngữ giữa người lớn và trẻ em không liên quan đến khả năng mà liên quan đến phương pháp học tập. Người lớn dễ dàng sử dụng kỹ thuật liên tưởng và quy tắc ngữ pháp hơn trẻ em. Nhà kinh tế học Wladyslaw Rafalski người Ba Lan bắt đầu học ngoại ngữ khi đã 40 tuổi và vào năm 50 tuổi ông đã tốt nghiệp quốc gia các môn ngoại ngữ: Anh,Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Nga.

  Tiềm năng học ngoại ngữ không liên quan gì đến chỉ số thông minh cũng như năng lực học trong các môn khoa học tự nhiên hay mỹ thuật. Bà Agnieszka Cegielkowska, nhà ngôn ngữ và thần kinh học thuộc Bệnh viện lâm sàng số 4 ở Lublin (Ba Lan) nói: “Nhiều người gặp khó khăn khi học ngoại ngữ chủ yếu là do họ sợ phát âm sai khi nói chuyện với người nước ngoài”. Những người câm điếc sử dụng ngôn ngữ điệu bộ dễ dàng học đọc và học viết ngoại ngữ sử dụng tại quốc gia mà họ đến bởi lẽ họ không có bất kỳ trở ngại tâm lý nào.

  Tài năng biết nhiều ngoại ngữ không dính dáng gì đến sự thuận tay trái, thuận cả hai tay cũng như không liên quan đến lượng hoócmôn nam giới như giả định của một số nhà tâm lý học. Theo nghiên cứu của GS. George Ojemann- nhà thần kinh học thuộc trường Đại học Washington, thì tuỳ thuộc vào lứa tuổi, người học ngoại ngữ có cách ghi nhớ khác nhau. Trong trường hợp người trưởng thành, mỗi một ngôn ngữ mới được ghi vào “một vùng riêng rẽ trong não”. Nhà ngôn ngữ học John Hirsch thuộc trường Đại học Columbia (Mỹ) đã cho một số người biết nhiều ngoại ngữ xem những bức ảnh và đề nghị họ mô tả chúng bằng những thứ tiếng khác nhau, đồng thời trong lúc đó chụp cắp lớp não bộ của họ bằng phương pháp cộng hưởng từ. Ông thấy rằng ở những người học ngoại ngữ từ nhỏ, trung tâm Broc của não (chịu trách nhiệm hình thành tiếng nói) phản ứng giống hệt nhau, không phụ thuộc vào việc họ mô tả những bức ảnh bằng thứ ngôn ngữ nào. ở những người học ngoại ngữ khi đã trưởng thành, trong thời gian tiến hành thí nghiệm có hai phần khác nhau của trung tâm Broc cùng được kích thích.

  Chứng cớ cho sự thành thạo về mặt ngôn ngữ ở người trưởng thành là phát hiện mới đây của GS. Jerzy Szaflarski thuộc trường Đại học Cincinnati. Ông sử dụng phương pháp cộng hưởng từ để so sánh cấu tạo bộ não của người thuộc các lứa tuổi từ 5 đến 63. Hoá ra, vùng não chịu trách nhiệm đối với việc học ngoại ngữ chuyển dần sang bên phải cùng với tuổi tác, chứng tỏ tính tích cực của nó suy giảm dần.

  GS. Marek Swidzinski ở Phòng nghiên cứu ngôn ngữ máy tính trường Đại học tổng hợp Vacsava (Ba Lan) đưa ra lời khuyên đối với những người muốn học ngoại ngữ như sau: “Cách tốt nhất là khi học ngoại ngữ thì không sử dụng tiếng mẹ đẻ. Nên sử dụng ngoại ngữ để đọc sách báo, xem truyền hình có phát thứ ngoại ngữ đó”. Không có phương pháp học ngoại ngữ nhanh nhất nào cả. Điều quan trọng là phải có sự tiếp xúc thường xuyên với ngoại ngữ đang học và niềm tin vững chắc rằng có thể học được thứ ngoại ngữ đó.

No comments:

Post a Comment