Myself

Myself
New Life

Tuesday, November 01, 2011

NHỮNG BỨC ẢNH GÂY CHẤN ĐỘNG THẾ GIỚI (HẾT)

Kent State [1970]

Bức ảnh chụp bởi John Paul Filo miêu tả cô sinh viên Mary Ann Vecchio đang quỳ xuống và khóc bên cạnh xác của một người bạn sau khi người này bị bắn bởi cảnh sát trong cuộc biểu tình phản chiến tại Đại học Kent State. Bức ảnh đã lột tả sự chia rẽ trong xã hội Mỹ vào thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Hành hình tù binh Việt Cộng trên đường phố Sài Gòn [1968]

Tấm ảnh được chụp sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 bởi Eddie Adams, miêu tả cảnh tướng Cảnh sát VNCH Nguyễn Ngọc Loan hành hình chiến sĩ đặc công Nguyễn Văn Lém ngay trên đường phố Sài Gòn. Bức ảnh cho thấy sự lạnh lùng của tướng Loan trước gương mặt méo mó trong kinh hoàng của người tù binh Việt Cộng. Một khoảnh khắc đáng giá đã mang về giải Pulitzer 1969 cho Eddie Adams.
Thương binh [1991]

Bức ảnh tiêu biểu cho cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991 của David Turnley: người lính này đã bật khóc khi biết được bên trong chiếc bọc đựng xác cạnh anh ta là xác của người đồng đội, bị bắn chết bởi “chính đạn của phe mình” (nguyên văn “friendly fire”). Bức ảnh đã trở thành hình tượng tiêu biểu cho một cuộc chiến đã bị bưng bít thông tin bởi Lầu Năm góc.
Nagasaki [1945] 

Đám mây hình nấm trên bầu trời Nakasaki vào ngày 9 tháng 8 năm 1945 này đã giết chết hơn 80 ngàn người và đã trở thành nỗi ám ảnh đe dọa cho hòa bình nhân loại
Xác chết trên bãi biển [1943]

Bãi biển Papua New Guinea ngày 20 tháng 9 năm 1943 với những xác chết của quân Đồng minh trong chiến dịch New Guinea, một chiến dịch quan trọng của quân Đồng minh nhằm tấn công và triệt phá căn cứ quan trọng của quân Nhật trong Thế chiến thứ 2. Bức ảnh tạo một cảm xúc thương tâm về một cuộc chiến khốc liệt. Bức ảnh của George Strock.
Buchenwald [1945] 

Trại tập trung Buchenwald của Đức Quốc xã sau khi được giải phóng năm 1945. Hơn 43 ngàn người Do Thái đã bị hành hình tại đây. Trong ảnh là những người dân Đức bị buộc phải đi xuyên qua Buchenwald để tận mắt chứng kiến những gì mà quốc gia của họ đã gây ra cho thế giới.
Anne Frank [1941] 

Chân dung của cô gái 14 tuổi Anne Frank, một trong 6 triệu người Do Thái đã bị Đức Quốc xã hành hình trong sự kiện Holocaust. Cả gia đình, bao gồm cô vài chị gái đã bị giết chỉ 1 tháng trước khi trại tập trung nơi cô bị giam được giải phóng. Cuốn nhật ký cùng bức chân dung một cô bé 14 tuổi, với đôi mắt to đang nhìn xa xăm về một tương lai mà ai cũng biết là không bao giờ đến được với cô, đã làm xúc động cả thế giới.
V-J Day, Times Square, [1945]

V-J Day (viết tắt của chữ Victory over Japan Day) là ngày cả thế giới ăn mừng sự kiện phát xít Nhật đầu hành đồng minh 15 tháng 8 năm 1945. Và trong cuộc diễu hành tại Time Square, New York, Alfred Eisenstaedt đã chụp được một khoảnh khắc tiêu biểu: anh lính hải quân đã hôn một nữ y tá. “Nụ hôn”, tên của bức ảnh đã làm cho người xem cảm nhận được niềm hạnh phúc tột cùng của nhân loại khi được sống trong hòa bình.
Omayra Sánchez [1985] 

Đôi mắt đã ám ảnh người xem này là của cô gái 13 tuổi Omaya Sánchez trong thảm họa núi lửa Nevado del Ruiz ở Colombia ngày 13 tháng 11 năm 1985, đã giết chết 25 ngàn người. Trong ảnh, Omaya đã kiệt sức vì bị mắc kẹt gần 3 ngày đêm trước sự bất lực của lực lượng cứu hộ. Cuối cùng, mọi người đã ở bên cạnh em và cùng cầu nguyện đến khi em không còn cầm cự được sau 60 giờ. Bứa ảnh được chụp bởi Frank Fournier
Lính Mỹ dựng cờ chiến thắng tại Iwo Jima [1945]

Bức ảnh chụp 5 người lính thủy quân lục chiến Mỹ dựng cờ chiến thắng trên đỉnh Suribachi của Nhật trong trận đánh tại Iwo Jima đã trở thành biểu tượng lịch sử của Thế Chiến thứ 2 và giúp Joe Rosenthal đoạt giải Pulitzer trong năm đó.
Bữa trưa trên đỉnh New York [1932]

Bức ảnh này của Charle Ebbets chụp 11 người công nhân đang ăn trưa trên một thanh đà, tại tầng 69, công trường xây dựng tòa nhà GE ở trung tâm Rockefeller diễn tả số phận cheo leo của những người công nhân nhập cư trong thời kỳ phát triển bùng phát của chủ nghĩa tư bản.
Bà mẹ nhập cư [1936]

Ánh nhìn xa xăm của Florence Owens Thompson, bà mẹ 32 tuổi của 7 đứa con. Cô đã phải đấu tranh để sinh tồn và nuôi con bằng việc bẫy chim và hái lượm trái cây. Bức ảnh này được Dorothea Lange chụp ngay sau khi Florence vừa bán đi túp lều của mình để mua thức ăn cho con. Bức ảnh đã làm thay đổi quan điểm của người xem về người nhập cư.
Uganda [1980]

Thêm một bức ảnh về nạn đói ở Châu Phi, Uganda năm 1980. Bức ảnh miêu tả đôi bàn tay teo tóp vì đói của một đứa bé đang hấp hối trong lòng bàn tay của một nhân viên cứu trợ Liên Hiệp Quốc. Sự giúp đỡ tuy muộn màng nhưng đã nhen nhóm trong ta sự hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn trong tương lai.
Chuyến bay đầu tiên [1903]

Chuyến bay đầu tiên dài 12 giây của hai anh em nhà Wright, Orville và Wilbur ngày 17 tháng 12 năm 1903 đã đánh dấu một thời đại mới về sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật và cho thấy khả năng chinh phục bầu trời của con người. Bức ảnh chụp bởi John T.Daniels
Kền kền chờ đợi đứa trẻ bị chết đói [1993]

Bức ảnh đoạt giải Pulitzer 1994 này được chụp khi xảy ra nạn đói khủng khiếp ở Xuđăng, mô tả một em bé đang đói lả nhưng vẫn cố bò về phía trại phân phát lương thực của Liên Hợp Quốc, cách đó khoảng 1m. Con chim kền kền đang chờ đứa trẻ bị chết để nó có thể ăn thịt. Bức ảnh đã làm cho cả thế giới bàng hoàng. Không ai biết điều gì xảy ra với em bé, kể cả nhà nhiếp ảnh Kevin Carter, người đã rời ngay khỏi hiện trường sau khi chụp. Ba tháng sau, Kevin tự sát. Kevin Carter (1961-1994) là nhà nhiếp ảnh tự do người Nam Phi, từng làm việc cho Reuters và Sygma Photo NY, và là cựu biên tập viên ảnh của Mail&Gaurdian. Anh cũng nhiều lần được trao giải thưởng danh giá là Giải thưởng Ảnh báo chí Ilford, trong đó có một lần ở thể loại Tin ảnh Xuất sắc nhất năm 1993.
Thàm kịch ở OKLAHOMA/Charles Porter

Nhiếp ảnh nghiệp dư Charles Porter miêu tả anh đã chộp được khoảnh khắc toà nhà ở thành phố Oklahoma (Mỹ) bị đánh bom tháng ngày 19/4/1995. Bức hình đoạt giải báo chí Pulitzer uy tín. “Một cảnh sát bế một em bé sơ sinh trao cho lính cứu hỏa. Tôi vẫn còn hình dung ra phút kinh hoàng đó. Người lính cứu hỏa đã tháo găng ra trước khi nhận đứa bé vì sợ nó đau. Găng tay rất cứng, thô nhám, và khi bỏ ra, người lính muốn nói rằng họ sẽ thật êm ái với sinh linh nhỏ bé kia. Anh không biết rằng đứa bé đã không còn sống nữa. Khi tôi gọi bạn cho xem bức ảnh, anh ta nói cần cho nhiều người biết hơn, như bán cho hãng AP chẳng hạn. Tôi đến AP và hỏi họ xem họ có muốn xem bức hình không. Wendel Hudson, trưởng đại diện của AP ở Oklahoma ngay lập tức muốn mua. Tôi không biết nói gì, vì tôi không thể hình dung được bức hình đã có quyền lực như vậy, Điều này vượt khỏi sự hiểu biết và tưởng tượng của tôi.”
Chân dung Winston Churchill [1941]

Bức chân dung của Thủ tướng Anh Winston Churchill này được xem là một trong những bức chân dung chân thực nhất trong lịch sử và đã mang về cho Yousuf Karsh sự nổi tiếng trên toàn thế giới.

No comments:

Post a Comment