Giáo sư Beth A. Livingston - một chuyên gia về nhân sự của Đại học Cornell tại Mỹ - cùng các đồng nghiệp theo dõi khoảng 10 nghìn người lao động (cả nam và nữ) trong gần 20 năm để tìm hiểu mối quan hệ giữa tính cách và thu nhập của họ,The Wall Street Journal đưa tin.
Đối tượng nghiên cứu của nhóm Livingston làm nhiều loại công việc, có độ tuổi và mức thu nhập khác nhau. Các nhà khoa học hỏi những người tham gia rằng họ có thường xuyên tỏ ra bướng bỉnh khi bảo vệ quan điểm hay không, có thói quen phản đối ý kiến của người khác hay không, sẵn sàng làm phật lòng mọi người hay không. Các nhà khoa học cũng yêu cầu đối tượng nghiên cứu tiết lộ thu nhập hàng năm.
Theo nhóm nghiên cứu, trong phạm vi nghiên cứu của họ, "khó tính" nên được sử dụng với những người tỏ ra bướng bỉnh khi bảo vệ quan điểm cá nhân, không ngại làm mếch lòng người xung quanh và không do dự khi phản đối ý kiến của người khác. Ngược lại, những cá nhân "dễ tính" thường không muốn làm mất lòng người khác và hay tán thành ý kiến của người xung quanh.
Kết quả cho thấy, thu nhập của những người đàn ông tự nhận là khó tính cao hơn khoảng 18% (tương đương gần 10 nghìn USD mỗi năm) so với những người dễ tính. Ở phụ nữ, những người khó tính chỉ hưởng mức thu nhập cao hơn khoảng 5% so với những chị em dễ tính.
"Những anh chàng dễ tính đang chịu thiệt thòi hơn tại nơi làm việc", Livingston nhận xét.
Ảnh minh họa: zounz.com. |
Livingston cho rằng, trong quá trình đàm phán về mức lương với nhà tuyển dụng, đa số người dễ tính tỏ ra không mạnh dạn đề cao những điểm mạnh của bản thân. Vì thế họ dễ chấp nhận mức lương mà người phỏng vấn đề xuất, chứ hiếm khi tranh luận để tìm kiếm mức cao hơn.
Nhiều nghiên cứu trước đây chứng minh rằng, trong quan hệ xã hội, chúng ta thích kết giao với những người cư xử dễ chịu, luôn đồng ý với chúng ta phần lớn vấn đề. Nhưng trong môi trường làm việc, chủ doanh nghiệp coi trọng năng lực làm việc hơn tính cách. Họ có xu hướng nghĩ rằng những nhân viên có năng lực cao thường không ngại làm phật lòng người khác và tỏ ra bướng bỉnh khi bảo vệ quan điểm cá nhân. Kiểu suy nghĩ này tồn tại trong cả những công ty đề cao việc xây dựng môi trường làm việc cởi mở và tinh thần phối hợp theo nhóm. Do suy nghĩ như thế nên các chủ doanh nghiệp thường dành cho người khó tính mức lương cao hơn so với những nhân viên dễ tính.
Trong một nghiên cứu khác, Livingston và các đồng nghiệp yêu cầu 460 sinh viên kinh tế đóng vai nhà quản lý nhân sự trong một công ty. Nhiệm vụ của các sinh viên là chọn lựa nhân viên mới dựa trên bảng mô tả ngắn về tính cách của ứng cử viên. Kết quả cho thấy cơ hội được tuyển của những ứng cử viên tự nhận là khó tính cao hơn hẳn so với những người dễ tính.
No comments:
Post a Comment